RSS

"Tiền có thể mua được hạnh phúc"


Dưới ánh sáng khoa học và bằng nhiều biện pháp nghiên cứu, thống kê, các nhà nghiên cứu đã có câu trả lời: "Tiền mua được hạnh phúc nếu bạn biết cách sử dụng nó".
Có thể nói "Tiền bạc có mua được sự hạnh phúc hay không?" là một trong những câu hỏi gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử loài người. Đứng trên nhiều quan điểm, nhiều ý kiến được đưa ra, có người đồng tình cũng có người không đồng ý và tranh cãi đó vẫn chưa đi đến hồi kết. Tuy nhiên, dưới ánh sáng khoa học và bằng nhiều biện pháp nghiên cứu, thống kê, các nhà nghiên cứu đã có câu trả lời: "Tiền mua được hạnh phúc nếu bạn biết cách sử dụng nó."

Trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu mới đã được thực hiện và cung cấp cho chúng ta hiểu biết sâu hơn về mối quan hệ giữa "những gì chúng ta làm ra" và "cảm giác chúng ta nhận được". Các nhà kinh tể học đã khảo sát sự liên kết giữa thu nhập và sự hạnh phúc tại nhiều quốc gia khác nhau. Các nhà tâm lý học cũng khảo sát nhiều cá nhân để tìm ra thực sự chúng ta cảm thấy như thế nào khi có tiền.

Kết quả cuối cùng thật sự khá bất ngờ: "Đúng vậy, nhìn chung những người có thu nhập cao hơn sẽ vui vẻ và hạnh phúc hơn so với những người có thu nhập không cao." Tuy nhiên, khi đào sâu nghiên cứu hơn, các nhà khoa học còn phát hiện được rằng việc có hạnh phúc hay không còn tùy vào cách chúng ta sử dụng tiền. Theo nghiên cứu mới nhất, sự giàu có chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để đảm bảo một cuộc sống tốt đẹp. Một yếu tố khác quan trọng hơn chính là "con người sử dụng sự giàu có đó như thế nào."

Điển hình như việc lấy tiền cho đi sẽ làm con người hạnh phúc hơn khi dùng số tiền đó phục vụ cho bản thân. Và nếu như người ta muốn dùng số tiền đó cho bản thân họ, thì việc dùng tiền để "mua những trải nghiệm" sẽ giúp họ hạnh phúc nhiều hơn là "mua những món hàng vật chất". Hãy tạm chấp nhận kết quả nghiên cứu này, bên dưới đây các nhà khoa học sẽ giải thích cho các bạn tại sao họ lại khuyên như vậy.

Những trải nghiệm có thể đáng giá hơn bạn nghĩ

Ryan Howell là phó giáo sư khoa tâm lý học tại Đại học San Francisco. Ông đã dành ra hơn 10 năm qua để tìm hiểu sự tương quan giữa tiền và hạnh phúc. Ông kết luận rằng những trải nghiệm cuộc sống sẽ cho chúng ta hạnh phúc dài lâu hơn so với vật chất, tuy nhiên con người vẫn thường làm điều ngược lại, họ thích dùng tiền mua vật chất hơn là những trải nghiệm.
 ​Theo giáo sư Howell, nguyên nhân là do con người ta cho rằng những món hàng vật chất sẽ giúp tiền có giá trị dài lâu hơn là những trải nghiệm thoáng qua. Dù người ta vẫn chi tiền cho những chuyên du lịch hay những buổi hòa nhạc, nhưng khi có thời gian suy nghĩ kỹ hơn, con người vẫn muốn mua hàng hóa. Tuy nhiên trên thực tế, giáo sư Howell nhận thấy rằng khi nhìn lại những món hàng đã mua, con người lại nhận ra rằng những trải nghiệm mới thật sự mang về cho họ niềm vui sướng.
Ông cho biết: "Những gì chúng tôi phát hiện ra thật sự nằm ngoài dự đoán. Con người nghĩ rằng những trải nghiệm chỉ cho họ hạnh phúc nhất thời, nhưng điều đó lại cho họ niềm hạnh phúc thật sự và lâu dài hơn. Và trong khi chúng ta vẫn còn mua những hàng hóa vật chất chỉ vì đó là những thứ hữu hình và họ nghĩ rằng họ có thể sử dụng nó dài lâu."

Một vị giáo sư tâm lý học khác tại Đại học Cornell là Thomas Gilovich cũng đã nghiên cứu và đi tới kết luận tương tự như giáo sư Howell. "Con người thường làm những phép tính duy lý theo kiểu "tôi có một số tiền giới hạn, và tôi vừa muốn đi tới đó, vừa muốn có được món hàng kia. Nếu tôi đi tới đó, tôi có thể cảm thấy tuyệt vời nhưng rồi quãng thời gian ấy cũng qua đi. Nếu tôi mua thứ này, ít nhất là tôi luôn luôn có được nó. Đó là sự thật, nhưng không đúng về mặt tâm lý học. Chúng ta đang tự gán ghép với những hàng hóa vật chất."

Dưới góc độ học thuật, đây gọi là quá trình "hưởng lạc đáp ứng" (hedonic adaptation)khiến con người khó lòng "mua được hạnh phúc" bằng những món hàng hóa vật chất. Có thể những bộ áo mới hoạc chiếc xe hào nhoáng có thể làm họ sướng run lên, nhưng rồi niềm vui sẽ nhanh chóng vơi đi. Ngược lại, những trải nghiệm hướng tới những nhu cầu tâm lý cơ bản hơn.

Trải nghiệm thường được chia sẻ với những người khác, cho họ cảm giác kết nối tốt hơn và từ đó, những trải nghiệm sẽ hình thành nên những cảm giác bền lâu hơn. Hãy tưởng tượng bạn đã từng leo lên đỉnh Phan Xi Păng, đây sẽ là một trải nghiệm mà bạn luôn nhớ tới và sẽ kể nhiều về nó rất lâu sau đó. Và quan trọng hơn, những trải nghiệm không thể nào mang ra so sánh với nhau được. Nếu như bạn so sánh các món đồ vật chất qua giá tiền, nhưng niểm vui thì không thể nào so sánh được.

Hãy chấp nhận với những gì bạn có

Một trong những lý do chủ yếu giải thích tại sao việc sở hữu nhiều món đồ vật chất không thể khiến chúng ta hạnh phúc hơn là do chúng ta vẫn chưa chấp nhận nó. Giáo sư tâm lý học Sonja Lyubomirsky tại Đại học California cho biết: "Con người đặc biệt cảm thấy tốt hơn khi cuộc sống của họ thay đổi theo hướng tốt hơn. Nếu thu nhập của bạn gia tăng, nó sẽ cho bạn một động lực và sự khao khát của bạn cũng theo đó tăng lên. Có thể lúc đó bạn sẽ mua một căn nhà mới. Nhưng bạn nhận thấy rằng hàng xóm của bạn có nhà to hơn và kết quả là bạn bắt đầu muốn căn nhà khác cũng to hơn. Kết quả là bạn đang bị cuốn vào vòng xoáy của chủ nghĩa khoái lạc. Việc ngăn chặn hay làm chậm suy nghĩ đó thật sự là một thách thức."

Một hướng giải quyết có thể có tác dụng là cố gắng đánh giá cao những thứ mình có và hài lòng với nó. Cuối cùng, quá trình chấp nhận sẽ cho bạn biết được những giá trị thật mà bạn đang sở hữu. Đó có thể là những hành động đơn giản mỗi ngày như "Tạ ơn đời mỗi sớm mai thức dậy" hoặc nói lời cảm ơn đối với người khác. Điều quan trọng nhất là luôn giữ ý thức hài lòng với những thứ mình có. Tuy nhiên, giáo sư Lyubomirsky cho biết rằng đây sẽ là một quá trình khó khăn khi mà bạn đang đi ngược lại với xu hướng tự nhiên của con người.

Một hướng tiếp cận khác là cho bạn bè hoặc những người xung quanh vay mượn tiền hoặc đóng góp từ thiện để hạn chế mua sắm ngắn hạn. Elizabeth Dunn, phó giáo sư tâm lý học tại Đại học British Columbia đã làm một thử nghiệm. Cô đem về nhà một túi lớn chứa đầy chocolate và sẽ có 3 nhóm người. 1 nhóm phải ăn nhiều nhất có thể. 1 nhóm bị cấm ăn và nhóm cuối cùng ăn theo ý thích. Kết quả cuối cùng, nhóm bị cấm ăn là những người cảm thấy thỏi chocolate được ăn sau đó là ngon nhất từ trước đến nay. "Tạm thời từ bỏ thứ gì đó có thể giúp tầm quan trọng và niềm vui sướng khi thưởng thức các món đồ đã có.

Hãy cho đi thật nhiều!


Có nhiều tiền hơn sẽ giúp chúng ta hạnh phúc hơn, nhưng một nghịch lý là hạnh phúc sẽ dài lâu hơn nếu chúng ta từ bỏ nó chứ không phải là tiêu pha phục vụ cho bản thân. Trong một thí nghiệm, giáo sư Dunn đã chia sinh viên của bà thành 2 nhóm và cho mỗi người 1 số tiền. 1 nhóm được yêu cầu mua sắm cho bản thân và nhóm còn lại thì dùng số tiền cho người khác. Và kết quả? Những người chi tiền cho người khác cho biết họ vui vẻ hơn so với nhóm còn lại.

Thử nghiệm trên đã được giáo sư Dunn lặp lại ở nhiều trường đại học tại nhiều quốc gia trên thế giới. Một sự thật thú vị khác là người ta còn cảm thấy hạnh phúc hơn nếu dùng chính tiền của họ để cho người khác hơn là sử dụng tiền miễn phí do giáo sư Dunn cho họ. Một kết quả khác là những nước như Canada, Nam Phi và Uganda có tỷ lệ hạnh phúc cao hơn khi cho tiền cho người khác. Và điều này đúng đối với những người thuộc tầng lớp giàu lẫn nghèo.

Để đảm bảo tính phổ quát hơn nữa, giáo sư Dunn đã phối hợp cùng với các nhà kinh tế học để phân tích dữ liệu khảo sát từ hơn 100 khóc gia. Kết quả vẫn vậy, dù là nước nghèo hay nước giàu thì việc quyên góp từ thiện luôn giúp con người hạnh phúc hơn. Bên cạnh đó, giáo sư Dunn cũng chỉ ra rằng niềm hạnh phúc không tỷ lệ thuận với số tiền họ cho đi. Có thể số tiền đó ít đối với một số người, nhưng lại là cả một gia tài đối với những người khác.

Ngoài ra, hãy "mua lấy thời gian"
Một điều khác cũng không kém quan trọng là hãy xem xét việc chi tiêu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thời gian của bạn. Theo nghiên cứu được thực hiện bởi giáo sư Alois Stutzer và Bruno Frey tại Đại học Zurich đã phát hiện ra rằng những người có nhiều thời gian hơn sẽ có mức độ hài lòng với cuộc sống cao hơn.

Giáo sư Dunn cho biết: "Sử dụng tiền để mua cho bạn những khoảng thời gian tốt hơn. Đừng mua những chiếc xe đắt tiền rồi bạn chỉ ngồi lên đó va di chuyển trong suốt 2 giờ đi làm. Hãy mua một chỗ gần với công ty, để bạn có thể sử dụng những phút giây sau giờ tan làm để vui chơi cùng con nhỏ." Một cách khác để mua thêm thời gian khi có nhiều tiền là dùng nó để giải quyết một số công việc của bạn. Đó có thể là thuê trợ lý cá nhân hoặc người giúp việc để đảm đương bớt gánh nặng cho bạn.

Tuy nhiên, giáo sư Dunn lưu ý rằng dùng tiền mua thời gian khác với quy đổi thời gian bằng giá trị tiền bạc. Trong những nghiên cứu trước đây, giáo sư đã phát hiện ra rằng những người nghĩ thời gian của họ là tiền bạc, sẽ khiến họ dành ít thời gian hơn cho những điều không làm ra của cải và điều này vô hình chung sẽ không phải là những khoảng thời gian hạnh phúc.

Sự hạnh phúc

Qua hàng loạt kết quả nghiên cứu trên, chúng ta sẽ rút ra được rằng sự hạnh phúc từ tiền bạc cần phải có 2 nhân tố quan trọng đi liền với nhau mới tạo ra được hạnh phúc thật sự. Yếu tố đầu tiên để đo lường sự hạnh phúc là "cảm thấy hài lòng với cuộc sống của bạn" và từ đó bạn sẽ tìm ra được mục tiêu của cuộc đời. Đây cũng là yếu tố được 2 nhà kinh tế học Justin Wolfers và Betsey Stevenson để thực hiện khảo sát về mối liên hệ giữa số liệu kinh tế sự hạnh phúc.

Nhân tố thứ 2 đo lường "tính hiệu quả của hạnh phúc" chính là mức độ thường xuyên bạn cảm thấy những cảm xúc tích cực như niềm vui, tình cảm hay sự yên bình. Giáo sư Lyubomirsky cho biết: "Bạn có thể cảm thấy hài lòng với cuộc sống của bạn nhưng có thể bạn không hạnh phúc về điều đó. Tất nhiên là cũng có những người hài lòng với cuộc sống nhưng vẫn có những cảm xúc tiêu cực. Vì vậy, bạn cần phải có cả 2 thành phần mới thật sự hạnh phúc."

Đừng vung tay quá trán

Cuối cùng, mặc dù phần lớn các nghiên cứu trên đây đều nói về sự hạnh phúc khi tiêu tiền nhưng các nhà nghiên cứu cũng khuyên các bạn nên giữ cân bằng trong chi tiêu nhằm đảm bảo mức độ an toàn tài chính. Mặt khác, dĩ nhiên là việc chi tiêu cho bản thân nhằm phục vụ cho các nhu cầu cơ bản vẫn phải được thực hiện chứ không phải là hoàn toàn tránh xa các món đồ vật chất. Trong những nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng nợ nần chính là một trong những yếu tố ảnh hưởng bất lợi đến hạnh phúc.

Chung quy lại, các nhà nghiên cứu khuyên bạn rằng trước khi chi tiền để mua các trải nghiệm hạnh phúc, hãy đảm bảo những nhu cầu vật chất cơ bản và đừng để nợ hạnh phúc của bạn biến mất. Giáo sư Howell chia sẻ: "Điều đầu tiên nên làm với tiền của bạn là xây dựng một mạng lưới an ninh cho vấn đề tài chính cá nhân. Nếu bạn sa vào nợ nần để đổi lấy những trải nghiệm đẹp trong cuộc đời thì sự căng thẳng, lo âu sẽ quét sạch những trải nghiệm hạnh phúc của chính bạn."

Theo Tinhte.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Chia sẽ bài viết