RSS

Bắt bệnh trẻ bị ho lâu ngày

tre ho lau ngay
Trẻ bị ho lâu ngày không dứt khi mà thời tiết mới chỉ bắt đầu chuyển sang hè – mùa của nắng và nóng. Mẹ Hương (Chung cư Mỹ Đình, Hà Nội) chia sẻ: Thời tiết lúc nóng, lúc lạnh làm cho Bé Tun cứ liên tục ho không dứt, dù đã dùng thuốc chữa ho trẻ em, thậm chí dùng cả kháng sinh mà vẫn chỉ giảm được 1 chút, dừng thuốc là lại ho trở lại… Nhiều mẹ cũng ở vào tình trạng như chị Hương, và sốt ruột đưa con đi khám, được bác sỹ cho biết vào thời tiết này, có rất nhiều trẻ ho là do dị ứng thời tiết gây nên.

Theo các bác sỹ Bệnh viện Nhi cho hay, ho trẻ em rất hay gặp khi khi thời tiết chuyển mùa. Mới từ đầu tháng đến giờ, nhất là khi thời tiết thay đổi thất thường, khiến cho lượng bệnh nhi tăng lên chóng mặt. Không chỉ bệnh viện, mà tại các phòng khám bệnh Nhi, chuyên khoa tai mũi họng, chuyên khoa hô hấp cũng xếp hàng dài các mẹ bồng con tới khám. Mẹ nào cũng thấy hỏi bác sỹ “con em bị ho cả gần tháng nay rồi, cho cháu uống siro ho, cả kháng sinh, kháng viêm nữa mà bé vẫn cứ ho sù sụ, liên tục không giảm”. Tuy nhiên, trẻ chỉ có dấu hiệu bị ho, chứ không viêm nhiễm hay có biểu hiện sốt, co giật nào.
Các chuyên gia y tế nhận định, thời gian chuyển mùa, thời tiết thất thường, thay đổi liên tục từ nóng sang lạnh rồi từ lạnh sang nóng, trong vài ngày, thậm chí từ sáng đến chiều, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe trẻ em. Những bé dưới 3 tuổi, hệ hô hấp còn non yếu, sức đề kháng cũng kém là đối tượng dễ phản ứng với điều kiện thời tiết thất thường nhất và có thể biểu hiện rõ nhất là triệu chứng ho trẻ em.

Bác sĩ cho biết, trẻ bị ho dị ứng thường ho thành cơn, thậm chí là ho lâu ngày, ho liên tục không dứt, nhất là trước khi đi ngủ, sau khi ngủ dậy, hay lúc chuyển tư thế, đang từ nằm sang ngồi hay ngược lại (do thay đổi áp lực trong cơ thể). Khác với ho do viêm nhiễm thường là trẻ hay sốt, có thể có đờm đục, đờm xanh, trẻ ho do kích ứng thời tiết thường sẽ có rất nhiều đờm nhưng là đờm trong, không sốt, khi xét nghiệm thì bạch cầu không tăng.

Bác sĩ cho biết, những trường hợp ho do dị ứng thời tiết, cần được điều trị bằng thuốc dị ứng (các loại kháng histamin), thuốc giảm tiết chảy nước mũi, thuốc giảm mẫn cảm kết hợp thuốc trị ho. Tuy nhiên, mẹ không nên tự ý dùng thuốc kháng sinh cho con, không nên lạm dụng siro ho cho bé, tuy không nguy hiểm nhưng nếu không biết chăm sóc đúng cách, trẻ ho dị ứng rất có thể bị bội nhiễm, dẫn đến các viêm nhiễm đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi…

Ngoài ra, vì trẻ thường nhiều đờm, nên cần làm cho các bé sổ được đờm ra, có thể bằng thuốc ho long đờm hay bằng vỗ rung. Cách vỗ rung rất đơn giản: Mẹ khum bàn tay lại rồi vỗ đều vào vùng lưng bé, phần giữa hai bả vai, làm nhịp nhàng liên tục và nên để bé nằm hoặc ngồi với tư thế đầu hơi dốc xuống. Sau động tác này, trẻ có thể sẽ ho nhiều và nôn, khạc ra đờm nên cần làm lúc trẻ đói, tốt nhất là buổi sáng ngủ dậy, khi bé chưa ăn gì. Với những trẻ không tự khạc được đờm, mẹ có thể kích thích cho bé nôn, có thể bằng cách dùng khăn mỏng sạch lau nhẹ nhàng khoang miệng, lưỡi, kích thích nhẹ vào họng….

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” là phương châm từ ngàn xưa khi nói đến chủ đề chăm sóc sức khỏe. Một trong các cách phòng bệnh hiệu quả cho con là cha mẹ cần chăm sóc vệ sinh mũi họng cho bé thường xuyên, cho trẻ xúc miệng và rửa mũi bằng nước muối sinh lý, ăn uống đủ chất, dinh dưỡng hợp lý. Khi bé bị ho mà không kèm các dấu hiệu sốt, mệt mỏi, có thể cho trẻ uống thuốc ho long đờm, và cần chú ý xem liệu có phải do trẻ dị ứng với một loại thức ăn nào đó không để loại hẳn khỏi thực đơn của bé.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Chia sẽ bài viết