Phương pháp thai giáo mới (nuôi dạy trẻ bắt đầu từ thai nhi), tác giả Shichida Makoto
1. Tác dụng của thai giáo
Thai giáo không chỉ mang ý nghĩa đơn thuần là những bài học dành cho thai nhi trước khi ra đời, mà ở ý nghĩa rộng hơn chính là những bài học đầu tiên mà người mẹ gửi gắm tình yêu thương của mình dành cho bé thông qua trò chuyện, tạo ra môi trường tốt nhất về sức khỏe và tinh thần dành cho em bé ở trong bụng để cả mẹ và bé cùng nhau hưởng thụ những thàng ngày mang thai hạnh phúc. Có nhiều cha mẹ nghĩ rằng thai giáo là phương pháp giúp cho trẻ khi sinh ra sẽ thông minh nên cần phải có nhiều giáo cụ tốn tiền, phải cho nghe nhạc cổ điển, phải đến các lớp học về thai giáo. Nhưng các chuyên gia về giáo dục và các bác sĩ đều khẳng định thai giáo không phải mục đích để giúp trẻ có trí tuệ thông minh nên các bậc cha mẹ đừng hiểu lầm và cũng đừng lấy mục đích đó để thực hành các bài thai giáo. Bởi vì việc trẻ có trí tuệ thông minh còn tùy thuộc vào yếu tố di truyền, môi trường nuôi dạy sau này mà bé tiếp nhận, vào tình yêu thương mà cha mẹ dành cho bé mới là cánh cửa giúp bé mở ra khả năng của bản thân và có động lực để cố gắng. Nếu chỉ nghe nhạc cổ điển, chỉ học các giáo cụ giúp thông minh sớm thì chắc mọi đứa trẻ được cho học như vậy cũng đều thông minh hết sao?
Hầu hết các nhà giáo dục đều đưa ra những tác dụng chung của thai giáo đó là:
- Giúp bé sinh ra ít khóc đêm và có nhịp sinh hoạt đúng giờ
- Giúp bé khỏe mạnh, ngoan ngoãn, vui tươi và hoạt bát
- Tăng sợi dây tình cảm giữa mẹ và bé
- Không nhút nhát khi gặp người lạ hay ở chốn đông người
- Tự lập khi không có cha mẹ ở bên
- Khi sinh ra bé vẫn nhớ những kí ức đã từng được mẹ nói, mẹ nhìn khi còn mang thai
Để làm được điều đó thì tất cả các bác sĩ và nhà giáo dục đều khuyến khích rằng thai giáo tốt nhất mà cha mẹ nên làm đó là tạo cho mình thói quen sinh hoạt đúng giờ giấc, trò chuyện tích cực cùng bé trong bụng, giữ cho tâm lí luôn thoải mái và lạc quan.
2. Hãy tạo cho mình thói quen sinh hoạt đúng giờ giấc
Thai giáo đầu tiên và quan trọng nhất chính là tạo cho mình thói quen sinh hoạt ăn uống đúng giờ, ngủ sớm và dậy sớm, ngủ đủ giấc mỗi ngày. Mỗi ngày hãy ngủ đủ 8 tiếng, ăn đúng giờ, vận động, để tâm lí luôn thoải mái.
Khi thai nhi bước sang tuần thứ 28 trở đi là lúc em bé trong bụng phát triển rất mạnh về thính giác và thị giác nên bắt đầu phân biệt được sáng tối. Muốn em bé khi sinh ra ngoan ngoãn và ít khóc đêm thì ngay từ những tuần này trở đi các mẹ hãy tạo cho mình thói quen sinh hoạt đúng giờ giấc như ngủ sớm, dậy sớm, ăn uống đúng giờ, và tránh thức khuya hoặc ở những nơi quá sáng và ồn ào khi về đêm. Nếu được hình thành thói quen sinh hoạt như vậy thì ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ bé sẽ nhớ được rằng vào buổi sáng và ban ngày thì có ánh sáng, ban đêm thì tối để từ đó hình thành thói quen thức và ngủ có quy tắc cho mình. Và từ những tuần này mẹ hãy tích cực nói chuyện nhiều với bé.
Hãy tiếp nhận sự tồn tại của em bé trong sinh hoạt hàng ngày ngay từ khi bé chưa sinh ra và muốn là được như vậy thì bản thân người mẹ cần phải giác ngộ và tự ý thức thay đổi bản thân. Nếu như để thói quen sinh hoạt dễ dãi như tối ngủ khuya, ban ngày ngủ đến trưa thì em bé khi sinh ra cũng sẽ quen thời gian sinh hoạt như vậy là đêm không chịu ngủ hoặc là dễ khóc. Kết quả là mẹ sẽ bị thiếu ngủ vì phải dỗ trẻ khóc đêm dẫn đến mệt mỏi, dễ sinh ra cáu giận và như thế sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc chăm sóc em bé. Hơn nữa, ứng với mỗi giai đoạn của thai kì người mẹ cũng cần thay đổi thói quen ăn uống để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho bé, đồng thời tăng các bài tập thể dục hoặc vận động cho phù hợp.
3. Thai giáo chính là trò chuyện giữa em bé và ba mẹ
Giọng nói của cha mẹ chính là âm thanh tuyệt vời nhất mà em bé muốn nghe và càng được lặp đi lặp lại thì em bé sẽ càng thích. Ngay từ tuần thứ 20 trở đi thính giác của thai nhi đã phát triển và em bé trong bụng đã nghe được âm thanh bên ngoài nên cha mẹ hãy tích cực trò chuyện với bé ở trong bụng. Thông qua não người mẹ những gì mẹ đang nghĩ đến hoặc ám thị muốn nhắn nhủ tới bé sẽ được bé cảm nhận. Trò chuyện giữa mẹ và bé sẽ giúp cho sợi dây tình cảm giữa mẹ và con gắn kết ngay từ khi còn trong bụng mẹ, bé sẽ cảm nhận được đầy đủ tình yêu thương của mẹ. Và chính từ việc cảm nhận tình yêu thương đó mới là điều kiện đầu tiên giúp bé phát huy về trí tuệ sau này.
Mỗi ngày mẹ hãy thường xuyên nói với bé rằng “mẹ yêu bé”, thường xuyên hỏi han xem bé có khỏe hay không, hoặc là hãy nói những lời động viên mong bé sẽ sinh ra thật khỏe mạnh, hay là nói cho bé nghe những việc hàng ngày mẹ làm, thời tiết hôm nay ra sao…Những điều tưởng chừng như đơn giản ấy nhưng lại có hiệu quả rất tuyệt vời vì nó giúp bé sinh ra khỏe mạnh, giúp bé phát triển khả năng ngôn ngữ ngay từ khi còn trong bụng mẹ, đồng thời nó còn giúp tinh thần người mẹ trở nên thoải mái, giảm bớt lo lắng.
Trong cuốn sách “Thai giáo” của mình tác giả Shichida Makoto đã giới thiệu bài tập mẹ và bé trò chuyện cùng nhau để giúp truyền tải tình cảm và suy nghĩ của mẹ dành cho bé thông qua phương pháp ám thị kết hợp với hít thở như sau:
Mỗi ngày hãy dành 10-15 phút buổi sáng và tối để trạng thái tinh thần thoải mái nhất và tập trung nói chuyện với em bé trong bụng. Để mình ở tư thế giống như ngồi thiền khoanh hai chân lại, buông lỏng hai vai và đặt tay vào bụng để cảm nhận em bé hoặc là đặt tay lên đùi lòng bàn tay ngửa. Tiếp đến, nhắm mắt lại tưởng tưởng mình đang đưa ý thức lên trên đỉnh đầu và giữ tâm trạng bình ổn, thoải mái. Sau đó là tưởng tượng đến vùng mắt, mũi và miệng để loại bỏ hết căng thẳng rồi từ từ hít thở đều đều. Hãy tự nói với bản thân mình rằng tâm trạng của mình lúc này rất thoải mái, rồi dần dần trong suy nghĩ hãy liên tưởng đến hình ảnh em bé trong bụng. Hãy nhắn nhủ với bé những điều bạn suy nghĩ như “mẹ rất vui vì có con xuất hiện trên đời, bố mẹ rất yêu con”, hay là “con của mẹ hãy sinh ra thật khỏe mạnh nhé”, hoặc nhắn nhủ bất kỳ điều gì bạn mong muốn ở bé.
Rất nhiều câu chuyện thực tế đã chứng tỏ rằng khi sinh ra em bé vẫn nhớ những gì được mẹ cho nhìn thấy khi còn trong bụng mẹ. Bởi vì từ tuần thứ 28 trở đi thị giác của bé đã rất phát triển còn thính giác thì đã phát triển trước đó 8 tuần nên lúc này bé có thể nhìn thấy những gì bên ngoài thông qua rốn của người mẹ hoặc qua bộ não của mẹ. các bác sĩ khuyên rằng hãy thường xuyên xem những tranh ảnh đẹp, những tác phẩm hội họa nổi tiếng hoặc là đi thăm những nơi có phong cảnh đẹp rồi nói cho bé nghe. Em bé sẽ hiểu và cảm nhận rõ những gì mẹ kể và mẹ đã xem. Chính vì thế mà có rất nhiều các em bé Nhật khi được hỏi lại kí ức trong bụng mẹ đã nhớ lại được rằng trong bụng mẹ rất tối, đầy nước nhưng rất ấm áp. Có trường hợp có em thì khi được mẹ đọc lại cho nghe những cuốn truyện ehon khi còn mang thai, hoặc được dẫn đến những nơi mà hồi mang thai mẹ hay đi chơi đều nói rằng con đã nghe truyện này khi còn trong bụng mẹ đấy, hoặc con đã từng nhìn thấy cảnh này rồi…
4. Hãy cùng chồng tích cực tham gia vào phương pháp thai giáo
Bình thường em bé sẽ nghe được âm thanh nói chuyện bình thường ở khoảng 200~1000Hz sẽ ở cường độ âm trầm 30-40 dB. Và sóng có tần số thấp thì sẽ dễ dàng truyền trong nước ối hơn là sóng tần số cao. Đó là lí do em bé sẽ thích nghe giọng nói nhẹ nhàng, âm trầm và không thích tiếng cãi nhau là vậy. Nếu so sánh tần số sóng âm của nam và nữ thì sóng âm của nam trầm hơn của nữ, do đó thai nhi thích nghe song âm ở tần số thấp ở bố nhiều hơn, đồng thời thích nghe nhạc cổ điển cũng là vì lí do đó. Vì thế thực tế có nhiều bé khi còn ở trong bụng mẹ được nghe giọng trò chuyện của bố nhiều thì khi sinh ra sẽ quấn quýt với bố là vậy.
Các ông bố hãy tích cực nói chuyện với bé như xoa bụng bé và trò chuyện như hỏi han xem bé có khỏe không, thường xuyên nói với bé là bố rất là yêu bé, chào hỏi bé khi đi làm và đi về nhà… Ngoài ra các ông bố ở Nhật còn rất tích cực đọc ehon, đọc truyện thiếu nhi cho bé trong bụng nghe trước giờ đi ngủ hoặc là vào thời gian rảnh rỗi. Rất nhiều hình ảnh quảng cáo trên tivi hoặc trong phim ảnh mình thấy các ông bố đọc truyện cho vợ mình lúc đang mang thai, mà thực chất chính là đang đọc truyện cho em bé trong bụng nghe. Việc làm này không chỉ giúp sợi dây tình cảm vợ chồng thêm khăng khít mà em bé trong bụng sẽ dần quen với giọng của bố và sẽ yêu bố hơn.
Hơn nữa việc đọc truyện cho thai nhi nghe ngay từ khi còn trong bụng mẹ còn giúp bé hình thành thói quen thích nghe đọc truyện khi bé ra đời.
5. Tâm trạng thoải mái của mẹ chính là môi trường thai giáo tốt nhất dành cho bé
Có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi cơ thể mẹ không khỏe hoặc tâm trạng không vui thì em bé trong bụng cũng cảm nhận được rõ điều đó. Nếu như người mẹ nào thường xuyên mệt mỏi, cáu giận hoặc vợ chồng thường cãi nhau thì em bé khi sinh ra sẽ có xu hướng cũng sẽ dễ nổi cáu hoặc không nghe lời. Vì thế đừng để bản thân bị stress mà hãy thường xuyên thay đổi không khí hoặc tâm trạng bằng cách nghe nhạc, đi dạo, xem tranh ảnh, làm những gì mà bản thân thích. Có rất nhiều bà mẹ ở Nhật đã nói rằng những bài tập thai giáo như vận động, tập trung nói chuyện với bé, nghe nhạc…là liều thuốc hữu hiệu giúp họ giảm bớt stress do những bất an sinh ra trong quá trình mang thai, đồng thời nó giúp họ tập trung tinh thần đến em bé trong bụng khiến họ thấy thời kì mang thai thực sự là hạnh phúc.
Nghe nhạc là một việc làm rất hiệu quả giúp thư giãn đầu óc nhưng đừng chăm chăm nghĩ rằng mình phải nghe nhạc cổ điển để cho con thông minh nếu như bản thân không thích. Mặc dù nhạc cổ điển có tần số sóng thấp nằm trong khoảng mà thai nhi có thể nghe được, nhưng điều quan trong hơn đó là chỉ khi người mẹ thích nghe nhạc đó thì tự bản thân sẽ tiết ra hooc môn để em bé trong bụng cũng tiếp nhận được tiếng nhạc. Nhưng nếu bản thân mà bị ép buộc phải nghe nhạc mà mình không thích thì sẽ chỉ đem đến tác dụng ngược lại là tạo sự ức chế cho bản thân dẫn đến tiết ra hooc môn không có lợi cho quá trình tiếp thu nhạc của bé. Vì thế hãy nghe nhạc nào mà bản thân mình cảm thấy thích, nếu được thì hãy hát thành lời để em bé trong bụng cùng nghe bởi mẹ vui thì bé mới vui và tâm trạng vui tươi, lạc quan của mẹ mới chính là môi trường thai giáo tốt nhất dành cho bé.
Ngoài ra, để phương pháp thai giáo thực sự có hiệu quả thì khi đã bắt đầu những bài tập trong phương pháp thai giáo thì hãy duy trì nó đều đặn vì trải qua thời gian càng lâu thì thai giáo mới càng có tác dụng. Ví dụ như khi bắt đầu tập yoga hoặc tập bơi, hay tập hít thở sâu thì hãy duy trì nó đến khi em bé sinh ra.
Lời cuối:
Đây là những điều mà hầu hết các bác sĩ đều khuyên dành cho phụ nữ trong thời kì mang thai được ghi ở rất nhiều tạp chí và sách tham khảo. Mình tóm lược những gì chung nhất để chia sẻ cho mọi người. Còn việc thực hiện có hiệu quả hay không có lẽ sẽ tùy thuộc vào sự bền bỉ, chăm chỉ và nhẫn nại của mỗi người.
Hãy tận dụng cơ hội khi mang thai này để điều chỉnh lại thói quen sinh hoạt của bản thân, ngủ sơm, dậy sớm để mỗi ngày trôi qua đều thực sự là mỗi ngày có ý nghĩa với bản thân và với thiên thần trong bụng :-)
Người dịch: Nguyễn Thị Thu
Người dịch: Nguyễn Thị Thu
0 nhận xét:
Đăng nhận xét