RSS

Những nhầm lẫn về triệu chứng tự kỷ của trẻ

trẻ tự kỷKienthuc.net Hiện nay rất nhiều bậc phụ huynh có những phán đoán nhầm lẫn khi cho rằng con mình có khả năng bị mắc chứng tự kỷ. Bài viết sau sẽ giúp các bậc phụ huynh, giảng viên và sinh viên hiểu rõ hơn về hội chứng tự kỷ, để phân biệt trẻ tự kỷ và những trẻ khác.

Đừng nhầm lẫn trẻ bình thường và trẻ tự kỷ

Có một số gia đình khi có con nhỏ khoảng 4 đến 5 tuổi vẫn chưa biết nói, nhưng phát triển thể trạng, vận động bình thường, vẫn có khả năng nhận biết và hiểu ngôn ngữ của người khác khi họ truyền đạt. Họ cho rằng con em mình bị chứng tự kỷ.
Hay có gia đình lại lo ngại vì sự phát triển trí tuệ vượt bậc của trẻ nhỏ, khi thấy con mình mới 3,4 tuổi đã có thể đọc báo hoặc làm những phép tính mà đáng ra phải dành cho những trẻ lớn hơn khoảng 4,5 tuổi.
Những lo lắng đó của các bậc phụ huynh không phải là không có cơ sở. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng không nên quá lo lắng mà đánh đồng những biểu hiện, hành động đó là biểu hiện của những đứa trẻ bị bệnh tự kỷ.
Thực tế, chứng tự kỷ khác với chậm nói, chậm phát triển. Trẻ chậm nói hoặc chậm phát triển tuy có một số biểu hiện giống trẻ tự kỷ như giao tiếp ngôn ngữ kém, chậm đáp ứng yêu cầu người lớn... song các dạng vận động về thể chất và tinh thần hoàn toàn bình thường. Những trẻ như thế này vẫn có thể giao tiếp bằng mắt, nhận ra và giao cảm tốt với người thân, tâm vận động như trẻ bình thường.

Điểm phân biệt rõ nét nhất của trẻ tự kỷ là ngoài hạn chế giao tiếp ngôn ngữ, trẻ còn hạn chế biểu hiện cảm xúc, đặc trưng nhất là tránh giao tiếp bằng mắt, ngay cả với người thân, không thích và né tránh chơi đùa với trẻ khác.
Theo TS Trần Thị Thu Hà - Phó Trưởng Khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Nhi TƯ), hiện nay càng ngày càng xuất hiện nhiều trẻ lên 2, lên 3 thậm chí lên 5 tuổi mà vẫn chưa biết nói. Trong số đó, 99% trẻ chậm nói mắc phải hội chứng tự kỷ, chỉ có 1% là chậm nói đơn thuần.
Để phân biệt trẻ chậm nói tự kỷ và trẻ chậm nói đơn thuần các bậc phụ huynh cần phải lưu ý các đặc điểm:
Trẻ chậm nói tự kỷ: Không nói, không hiểu ngôn ngữ. Mọi hành động của trẻ được tiến hành theo một lập trình riêng, như không hề liên quan gì đến thế giới xung quanh.
Trẻ chậm nói đơn thuần: Không nói nhưng nghe và hiểu người khác nói, mọi vấn đề khác của trẻ phát triển bình thường.

Những dấu hiệu khi trẻ mắc bệnh tự kỷ

Theo TS. Hà, những đứa trẻ tự kỷ mặc dù chẳng biết chỉ bố mẹ, tay, chân nhưng rất giỏi vi tính, thậm chí còn biết bập bẹ hát theo bất cứ bài hát nào trên băng đĩa, hoặc tivi... Chính vì vậy, nhiều người nhầm tưởng con mình thông minh, là thần đồng. Họ không biết được rằng, con mình đang mắc phải hội chứng tự kỷ - một dạng bệnh mà xã hội hiện đại đang phải đối mặt, mà một trong những biểu hiện của căn bệnh này là biết một số thứ, thậm chí rất thành thạo như tivi, vi tính, hội hoạ, âm nhạc nhưng những thứ thông thường thì lại không biết.
Thông thường khi trẻ bị mắc căn bệnh tự kỷ thường có những biểu hiện cơ bản sau:
- Trẻ đã 1 tuổi mà không có động tác chỉ trỏ gây sự chú ý của người khác, không có tiếng bập bẹ.
- Không nói được từ nào khi 16 tháng tuổi, không nói được câu nào gồm 2 từ khi 24 tháng tuổi.
- Trẻ đã có một số kỹ năng ngôn ngữ vào độ tuổi nào đó (14-16 tháng) nhưng sau đó tự nhiên mất hẳn, thường là sau khi trải qua một sự kiện như ngã ở nhà trẻ, lên sởi, nằm viện...
- Không bị lôi cuốn vào các đồ chơi, trò chơi.
- Rất ít hứng thú kết bạn.
- Không nhìn ai hay chú ý vào ai, thường chỉ nhìn lâu vào các vật có các động tác đơn điệu, chẳng hạn chiếc quạt đang quay...
- Không trả lời, không ngoảnh lại khi nghe gọi tên.
- Rất ít hoặc không có tiếp xúc mắt.
 - Không có động tác giơ tay ra đòi bế ẵm.
- Có các động tác cơ thể lặp đi lặp lại, chẳng hạn như đập đập tay, lắc lư thân thể.
- Khi giận dữ hoặc không đồng ý điều gì đấy thì hét lên (tiếng kêu chói tai), bứt tóc, đập chân tay xuống sàn nhà, đập đầu vào tường.
- Không thích người khác động chạm vào người.
- Ưa thích sự ổn định trật tự, thường chống đối rất mạnh mẽ việc thay đổi những gì đã quen thuộc.
- Cực kỳ nhạy cảm đối với một số âm thanh và mùi vị.
Một số dấu hiệu trên cũng có thể xuất hiện ở trẻ em bình thường, nhưng chỉ tồn tại đơn lẻ. Nếu thấy một số dấu hiệu xuất hiện đồng thời và dai dẳng, cha mẹ cần đưa trẻ đi kiểm tra hoạt động thần kinh, não và gặp các nhà chuyên môn về tâm lý để sớm được chữa trị.

Cách điều trị trẻ bị tự kỷ

Bệnh tự kỷ ở trẻ em hiện vẫn là căn bệnh còn xa lạ đối với các bậc cha mẹ. Trẻ bị bệnh vẫn khoẻ mạnh bình thường, nhưng luôn có những hành vi bất thường. Nhiều cha mẹ không chú ý đến sự khác thường của con trẻ hoặc có biết thì lại cho là bình thường, nên hầu hết trẻ khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn. Nếu gia đình ít cho trẻ giao tiếp với bên ngoài thì mức độ tự kỷ của trẻ càng nặng hơn.
Trẻ tự kỷ cần được điều trị sớm ngay từ khi phát hiện bệnh, cần được đánh giá, hướng dẫn tập luyện bởi đội ngũ nhiều chuyên gia như bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ tâm thần nhi, nhà tâm lý, cán bộ phục hồi chức năng, nhà trị liệu ngôn ngữ, giáo viên giáo dục đặc biệt. Bố mẹ trẻ cần kết hợp chặt chẽ với các nhà chuyên môn để tạo hiệu quả tốt trong việc tập luyện. Việc phát hiện muộn bệnh tự kỷ sẽ hạn chế rất nhiều kết quả trị liệu, ảnh hưởng đến tiến trình phát triển ngôn ngữ và khả năng xã hội của trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý quan sát các biểu hiện của trẻ để phát hiện sớm căn bệnh này.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Chia sẽ bài viết