RSS

Dạy trẻ tự lập không dễ chút nào - phần 2

FB Nguyen Thi Thu 

tre tu lap
Mình quan sát thấy có không ít cha mẹ đang hay đã từng trải qua những giai đoạn “gọi như hò đò mỗi sáng để đưa con ra khỏi giường rồi cho con ăn và cho con đến trường, rồi mỗi tối sau khi đi làm về, đã mệt lại phải ngồi kèm con làm bài tập”. Có lẽ nó chỉ một ví dụ sinh động trong muôn vàn những việc mà rất nhiều cha mẹ đã và đang làm thay cho con.

     Có thể nhiều cha mẹ cũng cảm thấy mệt mỏi với việc nào nhưng bắt đầu từ đâu để thay đổi thói quen đó vànhư thế nào thì vẫn còn không ít cha mẹ cảm thấy bối rối và phân vân. Đôi khi cha mẹ chúng ta thường hay bị cảm xúc làm cha mẹ thì phải có nghĩa vụ như này,như kia đè nặng trên vai khiến chúng ta không dám “lười” để cho con tự làm. Hoặc có những người đánh đồng việc làm cho con mọi việc mới chính là thể hiện tình yêu với con.

     Và nhiều hơn nữa chínhlà vì chúng ta đã quen với cách giáo dục từ chính những người xung quanh: họ cũng làm thế, cha mẹ mình trước kia cũng thế nên mình cũng làm theo chứ ngại thay đổi. Kết quả là con lớn rồi mẹ vẫn phải lo cho từng chút một, không thể chuyên tâm vào công việc của cá nhân, và than thở cho số phận rằng sao con cái chẳng biết tự lập gì cả.

             Vậy thì mình xin được đưa ra một ví dụ trực quan rất gẫn gũi để cha mẹ có thể hiểu rõ hơn là mình cần bắt đầu như nào thông qua note ngắn này. Khi đã nắm được nguyên tắc và mấu chốtcủa vấn đề thì những vấn đề khác tương tự cha mẹ cũng sẽ tự biết cách giải quyết thôi.

1.     Gọi con dậy buổi sáng là trách nhiệm của ai?

-       “Buổi sáng, gia đình nào đánh thức con dậy?” Có đến 80% các bậc cha mẹ tham gia buổi tư vấn đã giơ tay với câu hỏi này.“Vậy thì, việc đánh thức trẻ vào giờ nhất định mỗi sáng để trẻ không bị trễ học là công việc của ai?”. Vâng, công việc này là trách nhiệm của chính bản thân trẻ. Nhưng, ở rất nhiều gia đình cha mẹ lại tước đoạt mất công việc đó từ trẻ, và chính từ việc cha mẹ đánh thức trẻ dậy mỗi sáng đã khiến trẻ trở nên ỷ lại vào cha mẹ, và làm cản trở quá trình trẻ tự lập.

-       “Nhưng nếu không đánh thức thì con lại trễ học”. Vâng, sự giúp đỡ theo đúng tâm lí làm cha mẹ ấy kết cục đã tạo ra tình trạng là trẻ không cần tự mình dậy buổi sáng cũng được. Không phải là việc trẻ không tự thức dậy được, mà bởi vì có cha mẹ đánh thức rồi nên trẻ không cần tự mình phải dậy.

2.      Để trẻ tự thức dậy chính là nuôi dưỡng “tinh thần trách nhiệm” cho trẻ

-       Ý nghĩa nguyên thủy của hai từ “trách nhiệm”: “Trách nhiệm” trong tiếng Anh có nghĩa là RESPONSIBILITY, nó được ghép lại từ hai chữ RESPONSE nghĩa là “phản ứng”,và ABILITY nghĩa là “năng lực”. Vậy thì trách nhiệm có nghĩa là “năng lực phản ứng”.Trách nhiệm mà cha mẹ cần dạy trẻ ở đây chính là “tự bản thân mình biết phản ứng một cách tích cực đối với những việc cần phải làm trong cuộc sống hàng ngày”.

-       Hãy bắt đầu từ việc tự thức dậy buổi sáng, tự sửa soạn quần áo, sách vở...sau đó đến khi trẻ bước vào tiểu học, trẻ có thể tự mình làm mọi việc mà bản thân nên làm và phải làm. Công việc của cha mẹ không phải là chỉ thị trẻ làm những công việccủa mình bằng câu ra lệnh “con hãy tự mình làm đi”, mà chính là tạo một môi trường làm sao để trẻ trở nên thích tự mình làm nó. Muốn như thế thì bước đầu tiên là khi trẻ bắt đầu có những biểu hiện muốn tự mình làm cái này cái kia, cha mẹ đừng ngăn cản trẻ.

-       Khi trẻ được khoảng 1 tuổi rưỡi là lúc trẻ bắt đầu muốn tự mình làm mọi thứ. Khi trẻ được 3 tuổi, trẻ bắt đầu tỏ ra “ương bướng” hơn rằng “để con tự làm”. Khi này, bằng cách để cho trẻ được tự mình làm càng nhiều càng tốt, cha mẹ có thể nuôi dưỡng mầm non “tự lập” ấy lớn lên khỏe mạnh.

-       Nhưng thực tế thì có không ít cha mẹ lại làm ngược lại. Khi trẻ còn nhỏ mà nói là “Con muốn làm cơ” thì cha mẹ sẽ phản ứng “Nhỡ con bị đứt tay thì sao. Con vẫn chưa làm được đâu”, nhưng khi trẻ lớn lên chút mà muốn làm nũng đòi “Mẹ làm giúp con”, thì lại mắng trẻ “Con lớn rồi hãy tự mình làm đi”.Thật mâu thuẫn phải không nào.

3.      Hãy để trẻ học bài học “Nguyên nhân-kết quả” từ chính việc mình làm

-       Nếu sáng nào trẻ cũng dậy lúc 6g, chuẩn bị mọi thứ khoảng 1 tiếng, sau đó 7 giờ ra khỏi nhà thì không bao giờ đến trường trễ. Nhưng, có hôm nào đó, khi trẻ bừng tỉnhdậy đã là 6 giờ rưỡi, thì chắc chắn hôm đó sẽ bị trễ học. Cả lớp đang ngồinghiêm chỉnh nghe thầy giảng bài, tự dưng một mình lò dò bước vào trước ánh mắtđổ dồn của cả lớp khiến bản thân trẻ cũng cảm thấy xấu hổ, rồi thầy giáo từ đócũng trở nên chú ý đến trẻ nhiều hơn. Trải nghiệm này mà lặp đi lặp lại sẽ khiếntrẻ thấy xấu hổ và không còn tái diễn nữa. Trẻ sẽ tự mình suy nghĩ “Ngày mai nhấtđịnh mình sẽ dậy từ 6 giờ mới được”.

-       Ngày tiếp theo, trẻ dậy từ 6 giờ sáng, và có thể đến trường thoải mái thời gian. Khi ấy trẻ sẽ học được bài học là bằng việc thay đổi hành động của mình thì kết quả cũng sẽ được thay đổi. Chỉ cần tự mình thay đổi nguyên nhân, thì kết quả cũng có thể thay đổi được.

-       Trẻ nào được nhiều trải nghiệm lặp đi lặp lại trong cuộc sống tương tự như ví dụ trên, thì sẽ tự hình thành cho mình thói quen suy nghĩ và tìm hướng giải quyết vấn đề khi có tình huống xấu xảy ra. Và trẻ sẽ có thêm nỗ lực để thay đổi nguyên nhân dẫn đến hành động đó. Đó chính là năng lực phản ứng với các tình huống thực tế.

-       Ngược lại, trường hợp mà bố mẹ đánh thức buổi sáng và trẻ bị trễ học thì sẽ thế nào? Khi về nhà chắc chắn trẻ sẽ hậm hực với bố mẹ “Chỉ tại bố mẹ đánh thức con dậy trễ nên mới vậy”. Vậy là nguyên nhân dẫn đến việc đi học trễ không phải là lỗi tại bản thân mình. Kết quả không như mong muốn là bị bạn bè chê cười, bị thầy cô để ý hay quở mắng ấy không phải lỗi tại mình, mà là lỗi tại bố mẹ đã không đánh thức mình dậy đúng giờ. Trẻ mang suy nghĩ như này sẽ cho rằng chính cha mẹ là người đã để xảy ra chuyện trễ học này. Và chính vì nghĩ rằng lỗi là của cha mẹ, nên trẻ cũng không hề có ý định thay đổi hành động của mình, thay đổi nguyên nhân dẫn đến kết quả ấy.

4.     Hãy bắt đầu từ việc “không đánh thức con dậy buổi sáng”

Làm thế nào để bắt đầu việc này? Nếu như cha mẹ có thể thành công ở việc này thì cũng sẽ biết cách để thành công trong các công việc khác như: để trẻ tự soạn sách vở của mình, tự chọn quần áo mặc hôm sau, tự cho đồ vào nơi để giặt…

-       Ban đầu hãy trò chuyện với trẻ

“Con có biết là nếu buổi sáng mà phải để bố mẹ đánh thức thì sẽ có tác dụng xấu là làm cản trở sự tự lập của con đấy?”, cha mẹ hãy nói cho trẻ suy nghĩ của mình về vấn đề này. Tiếp đến nói cho trẻ quyết định của mình “Nên từ ngày mai bố mẹ sẽ không đánh thức con nữa đâu nhé”.

Khi này trẻ sẽ phản ứng tức thì “Không được, bố mẹ làm khó con à. Ngày mai vẫn phải gọi con dậy đấy”. Khi này cha mẹ đừng có nổi nóng với trẻ vội “Không được cãi, bố mẹ nói là phải nghe”.Cha mẹ hãy gật gù tiếp nhận tâm trạng của trẻ “ừ đúng là làm khó con thật. Mọi khi được bố mẹ gọi dậy thế mà bỗng nhiên từ ngày mai lại phải tự mình dậy nhỉ”,nhưng vẫn tỏ ra cương quyết chốt lại ý của mình “nhưng mà mai mẹ sẽ không gọi để con tự dậy nhé”.

-       Hỗ trợ cho trẻ dậy sớm như nào

Cha mẹ có thể mua cho trẻ đồng hồ báo thức. Trao đổi cùng trẻ về các phương án làm sao để trẻ có thể tự dậy sớm một mình mà không cần bố mẹ đánh thức. Đối với gia đình tôi, tôi đã tặng lại con gái mình chiếc đồng hồ báo thức mà tôi dùng khi còn trẻ. Khi đến giờ con phải dậy thì tôi hay mở ti vi để đánh thức. Công việc của con gái tôi là phải đặt chuông báo thức trước khi đi ngủ.

-       Quyết tâm “Không đánh thức trẻ buổi sáng”

Ban đầu khi trẻ không thức dậy thì cha mẹ hãy cố gắng nhẫn nại, vì sự nhẫn nại đó sẽ có kết quả thay đổi về sau, trẻ sẽ tự mình thức dậy được. Khi mãi mà trẻ không chịu thức dậy thì dù có trải qua mấy tiếng đi nữa cha mẹ không đánh thức thì rồi trẻ cũng sẽ phải tự dậy.Nếu khi này mà cha mẹ không kiên nhẫn được mà đánh thức trẻ, thì sau đó trẻ không bao giờ sửa được thói quen ỷ lại vào người khác của mình.

Vấn đề ở đây không phải chỉ có tự bản thân trẻ không thức dậy được, mà lời nói và hành động của cha mẹ thiếu sự nhất quán. Trẻ sẽ ngầm hiểu rằng “bố mẹ chỉ nói miệng là không đánh thức thôi, chứ cuối cùng thì cũng vẫn cứ phải đánh thức mình dậy” làm mất đi sự uy nghiêm của cha mẹ. Cha mẹ mà không được trẻ tôn trọng thì việc nuôi dạy tính trách nhiệm cho trẻ sẽ vô cùng khó khăn. Chính vì thế khi đã quyết tâm bắt đầu thực hiện thì cũng quyết tâm không đánh thức trẻ dù có chuyện gì đi nữa.

-       Hãy công nhận rằng trẻ có thể thức dậy một mình

Buối sáng đầu tiên khi trẻ tự mình thức dậy vào buổi sáng hãy thẳng thắn công nhận điều đó với trẻ bằng sự vui mừng “Con có thể tự thức dậy một mình đấy chứ. Mẹ rất vui. Đúng là con yêu của mẹ có thể làm được rồi nè. Mẹ rất tự hào về con”. Tự mình thức dậy vào buổi sáng, lại được cha mẹ công nhận về sự cố gắng đó sẽ khiến trẻ trở nên tự tin hơn. Sự tự tin này khác với sự tự tin về khẳng định cái tôi, khẳng định sự tồn tại của bản thân, mà đây là sự tự tin từ kết quả được sinh ra từ một việc làm cụ thể của bản thân.

Khi hai cái tự tin này hợp thành một thì cuộc sống đối với trẻ sẽ là những ngày vui bất tận.

5. Câu chuyện của chính mình về bài học nguyên nhân-kết quả:

Cho đến giờ mình đã gặp không ít kinh nghiệm khóc cười từ chính những trải nghiệm của bài học nguyên nhân-kết quả. Nhưng đáng nhớ nhất chính là lần đi thi vào trường chuyên năm lớp 6. Hôm đó cả nhà mình đi gặt từ sáng sớm nên mình phải đạp xe một mình (tầm 5-6 cây số) vào phố thi. Mình nhớ hôm đó mình đi sớm lắm, mình đến khi trường chưa mở cửa. Vào trường rồi chẳng quen ai nên đứng thui thủi một mình trong góc hành lang (với lại nhút nhát vì chẳng được vào phố bao giờ mà ) nhìn các bạn khác nô đùa.

Mình cũng không nhớ chính xác vì sao mình lại đột nhiên nhớ đến kiểm tra giấy dự thi, bèn mở cặp thì lục mãi không thấy. Mình hoảng quá bèn lấy xe phóng vội về nhà để lấy giấy báo dự thi, vừa đạp về vừa sợ sẽ bị trễ không quay lại kịp. Thế rồi ơn trời nhờ đạp hết sức mình vẫn quay lại sớm trước khi giáo viên đọc báo danh vào phòng thi. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại và mệt nữa nhưng không hiểu sao mình vẫn được 8 điểm thi văn buổi sáng ấy. Còn buổi chiều thi toán thì tôi làm kém nên kết quả thi trượt. Chỉ vì trước khi đi thi không kiểm tra giấy báo danh đầy đủ nên tôi đã gặp sự cố như thế. Từ đó về sau mỗi lẫn đi thi mình đều nhớ lại bài học ấy. Còn mẹ mình vẫn hay lôi câu chuyện này để kể xấu với con rể :))).

Thất bại trong việc thi trường chuyên không khiến mình buồn, bây giờ nhìn lại mình lại thấy đó cũng là may mắn vì ngay từ ngày ấy mình đã giữ suy nghĩ rằng "học ở đâu cũng được, nếu con cố gắng thì sẽ luôn có kết quả tốt mà", vì thế mình không chọn học trường nào khác trong phố mà học ở trường làng. Và mình vẫn giữ cái vẻ thuần nông của mình mãi cho đến khi hết cấp 3 :))).

Và còn rất nhiều trải nghiệm khác từ bé xíu đã cho mình nhận ra tất cả mọi việc đều có nguyên nhân và kết quả do chính hành động của mình chứ không phải do lỗi của ai khác. Vì thế với Bon, mình cũng sẽ coi đây là câu chuyện của để dành để tặng Bon ^^.

Lời cuối:
       Sau bài note này sẽ là bài note về những việc cụ thể hơn cho trẻ đến 3 tuổi và đến 6 tuổi, đến 14 tuổi nên tự mình làm để cha mẹ có cái nhìn dài hơn trong những giai đoạn tiếp theo cho con mình. một trong bí quyết chi sẻ của những người bận rộn nhưng vẫn thành cong trong sự nghiệp đó là để con được làm những gì thuộc về trách nhiệm của cá nhân mình thay vì làm hết cho con, hoặc phó thác nó cho người giúp việc.

       Xã hội Nhật không có người giúp việc như VN (hoặc có thì chỉ làm theo dạng bán thời gian cho những gia đình cực kì giàu có) nên việc cha mẹ phải để con tự làm mọi thứ thuộc về cá nhân mình cũng là một điều tất yếu. Mình chỉ mong sao những gia đình có người giúp việc ở VN sẽ biết vận dụng khéo léo để không tước đoạt đi của con cơ hội được tự lập ngay từ khi còn nhỏ, để con lớn lên đừng làm người ỉ lại mà thôi

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Chia sẽ bài viết